Những nhà nhập khẩu đồ gỗ trên thế giới đang hướng tới Việt Nam như một điểm nóng cung cấp đồ gỗ ở châu Á.
Việt Nam là một trong số những quốc gia mà các nhà nhập khẩu đang nhắm tới, vì giá của Việt Nam có tính cạnh tranh so với những nước xuất khẩu đồ gỗ khác. Theo nhiều doanh nghiệp, Expo 2004 là cơ hội tốt nhất để phô diễn "nội lực" của ngành, củng cố và duy trì những thị trường cũ, mở rộng và tìm thêm những khách hàng mới qua những đoàn khách thương nhân tham quan tại hội chợ. Xứng tầm… Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ trong nước đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành lên tới 40% mỗi năm. Trong năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam chỉ đạt 219 triệu USD, con số này trong năm ngoái đã tăng lên 567 triệu USD.

Theo Bộ Thương mại, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã lên tới 651 triệu USD. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả năm sẽ ở mức 1 tỉ USD. Những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, Nhật và EU. Trong đó, Mỹ là thị trường mà các doanh nghiệp chú ý đến nhiều nhất, bởi lượng tăng trưởng mặt hàng gỗ vào Mỹ của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua. Nếu như năm 2000, đồ gỗ của các doanh nghiệp xuất vào Mỹ chỉ đạt 7,9 triệu USD, con số này vào năm ngoái đã lên tới 114 triệu USD. Mặc dù quy mô không lớn, nhưng Expo 2004 đã được các doanh nghiệp chuẩn bị "dài hơi" hơn cho buổi trình làng, với nhiều mẫu mã sản phẩm mới lạ phong phú và đa dạng
Gian hàng trưng bày hàng xuất khẩu của công ty tại Expo 2004 với diện tích 36m2 được thiết kế tương tự như một ngôi nhà Việt ở phố dành cho gia đình 4 người. Cũng có phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn… Nét đặc biệt của ngôi nhà tí hon này là mọi đồ trang trí nội thất trong nhà đều được làm từ sơn mài, sản phẩm xuất khẩu chính của công ty. Ông Đoàn Đình Bắc, phó giám đốc công ty nói: "Những sản phẩm nội thất, thủ công mỹ nghệ sẽ đẹp và hoàn mỹ hơn nếu những sản phẩm đó thể hiện được giá trị sử dụng chứ không đơn thuần là những đồ trang trí.

Xu hướng chung của đồ nội thất là tính thẩm mỹ phải đi đôi với tiện dụng. Khi thiết kế gian hàng này chúng tôi đã nhắm đến mục đích trên". Thuê những chuyên gia nước ngoài về thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và kiêm luôn vị trí quản lý doanh nghiệp cũng là một cách mới của những doanh nghiệp trong nước mà công ty là một điển hình. Với thương hiệu đồ gỗ Tori, ông Justin Wheatcroft, giám đốc thiết kế và xuất khẩu đang nhắm tới thị trường nội địa như một thị trường đệm để tạo đà cho xuất khẩu.
"Những mẫu thiết kế của công ty chúng tôi đều mang phong cách hiện đại của châu Âu, nhưng khi những sản phẩm này được sản xuất trong nước sẽ được cách điệu và thay đổi để phù hợp với thị trường nội địa mà thị phần trọng tâm của công ty vẫn là những căn hộ chung cư hiện đại cho những người có mức thu nhập trung bình trở lên", ông Wheatcroft nói. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ hiện đang có kế hoạch chuyển cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp sang tiêu thụ nội địa.